[KỶ YẾU BÚA LIỀM VÀNG] Kỳ 1: Chuẩn mực đạo đức cách mạng là cội nguồn sức mạnh của Đảng

Đây là bài viết thuộc chùm tác phẩm Kỷ yếu Búa liềm vàng "Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ", đạt giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024, giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Vietcombank năm 2024.


Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nền tảng và là sức mạnh nội sinh để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng, nhà tư tưởng quan tâm và bàn luận nhiều nhất về vấn đề đạo đức, đặc biệt là đạo đức cách mạng. Tư tưởng về đạo đức cách mạng của Người đã trở thành nền tảng lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt hơn 94 năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng. Bản thân Người đã là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại cả phương Đông lẫn phương Tây mà Người đã tiếp cận được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách. Người nêu những yêu cầu cụ thể về đạo đức cách mạng, trong đó, chuẩn mực đạo đức chung của người cán bộ, đảng viên. Một là Trung với nước, Hiếu với dân. Trung với nước là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên của đất nước; là suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Hiếu với dân thể hiện ở chỗ gần dân, kính trọng dân, học tập dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc, thương dân, tin dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Hai là phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", phẩm chất  "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, coi đây là những chuẩn mực đạo đức cần phải có của con người. Thực hiện được "cần, kiệm, liêm, chính" thì sẽ tiến đến "chí công vô tư" biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

Tóm lại, đạo đức cách mạng được thể hiện rõ trong các mối quan hệ lớn, đó là: với Tổ quốc và nhân dân thì phải trung - hiếu, với bản thân mình thì phải cần, kiệm, liêm, chính; với công việc thì phải chí công vô tư; với con người thì phải yêu thương, với nhân loại phải có tinh thần quốc tế trong sáng...

Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó là "nói đi đôi với làm", nêu gương đạo đức, tu dưỡng đạo đức suốt đời.  Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc. Đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người, do đó người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải làm gương trong công việc cũng như trong lối sống sinh hoạt hằng ngày, không ngừng nâng cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ vững được phẩm chất, tư cách của người cách mạng.

Trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, hệ quả của nền kinh tế thị trường sơ khai và sự kém tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đã làm một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về đạo đức, lối sống. Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế 4.0 hiện nay, những cám dỗ vật chất và tinh thần từ cuộc sống tác động rất mạnh mẽ, nếu không giữ vững mục tiêu rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, cán bộ, đảng viên sẽ trở thành tấm gương xấu có thể gây mất lòng tin và làm giảm uy tín của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, nếu sự suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn kịp thời, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm xói mòn hệ giá trị đạo đức mà dân tộc ta và Đảng ta đã dày công xây dựng. Chỉ có chuẩn mực đạo đức khi được thấm nhuần thành lẽ sống, mới có tác dụng phòng ngừa, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tránh khỏi sai lầm. Do đó, xây dựng và thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang là yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thầm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, không ngừng nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh. Các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được Đảng ta ban hành một cách có hệ thống như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm…

Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và coi đây là một trong những giải pháp cốt lõi để xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt. Theo quan điểm của Tổng Bí thư, nếu cán bộ là “cái gốc của mọi việc” thì phẩm chất, đạo đức của cán bộ phải song hành với tài năng, trong đó “đức phải là cái gốc”. Bài học về “gốc đạo đức” đã được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các bài viết, phát biểu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Muốn cành, lá không bị sâu bệnh thì cái “gốc đạo đức” phải được vun xới không ngừng nghỉ. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW). Quy định số 144-QĐ/TW là bước tiến trong cụ thể hóa hơn nữa các quy định đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã ban hành trước đó. Quy định có ý nghĩa sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng và hệ thống chính trị. Nhất là, trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, quy định này cũng là kim chỉ nam để tổ chức đảng các cấp chuẩn bị công tác nhân sự, xem xét, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, có tâm, xứng tầm đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.

Với 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, được thể hiện trong 5 điều, Quy định số 144-QĐ/TW vừa bao hàm toàn diện các nội dung quy định người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc vừa nêu rõ các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, cụ thể như sau: Một là, yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Các nhóm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong Quy định số 144-QĐ/TW đều rất sâu sắc, nội dung khách quan, khoa học về lý luận và thực tiễn. Các nội dung của Quy định số 144-QĐ/TW không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng. Thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng trên sẽ giúp cán bộ, đảng viên xác định được mục tiêu, lý tưởng, phương thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đúng đắn; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có động cơ hành động trong sáng vì lợi ích chung; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên; “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ham danh lợi, không làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích của đất nước, của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Quán triệt, thực hiện Quy định số 144 là nội dung, giải pháp quan trọng làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng, là động lực mạnh mẽ phát triển và bảo vệ đất nước. Chuẩn mực đã có, tiêu chí cũng đã rõ ràng, việc còn lại là mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng và không ngừng rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và hệ thống chính trị cần nghiêm túc, gương mẫu thực hiện Quy định số 144 gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII...; đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng. Việc tự giác thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao sức mạnh “nội sinh” của Đảng, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, góp phần hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

*Đây là bài viết thuộc chùm tác phẩm Kỷ yếu Búa liềm vàng "Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ", đạt giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024, giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Vietcombank năm 2024. Tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Đảng ủy Khối DNTW, chi tiết tại đây.
 
Giải Búa liềm vàng Vietcombank năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ đảng viên và người lao động trong toàn hệ thống Vietcombank. Đây không chỉ là cơ hội để các cán bộ, đảng viên và người lao động thể hiện tâm huyết, bản lĩnh trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng hướng đến chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tác giả: Ban Tuyên giáo Đảng ủy (Trần Thị Hạnh, Nguyễn Đỗ Hồng Anh, Tô Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Hồng Nhung)

Đơn vị: Các đơn vị tham mưu giúp việc của Đảng ủy Vietcombank

Từ chối
Chúng tôi sử dụng cookie để phục vụ tốt hơn.
Chấp nhận