[KỶ YẾU BÚA LIỀM VÀNG] Kỳ 2: Thực trạng việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng hiện nay

Đây là bài viết thuộc chùm tác phẩm Kỷ yếu Búa liềm vàng "Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ", đạt giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024, giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Vietcombank năm 2024.

Ngành Ngân hàng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng, tác động tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Vì vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng, cùng với yêu cầu phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực

Ngành ngân hàng có một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay. Nó không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần, trung gian giao dịch mà nó còn tác động rất lớn đến sự ổn định cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đối với cán bộ làm công tác tài chính ngân hàng, việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức là rất quan trọng bởi hoạt động tài chính ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt - kinh doanh tiền tệ, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều nguồn tiền, nắm giữ trong tay nguồn tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp và đất nước. Ngày 20/2/1952, trong bức thư gửi cán bộ tài chính - ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”. Yêu cầu không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, yêu cầu tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho các cán bộ ngân hàng luôn được Đảng và nhà nước ta hết sức chú trọng.

Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trao Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam cho các tập thể đạt giải cao tại Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng

Trên thực tế ngành Ngân hàng là một trong các ngành triển khai nhanh, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chung của Chính phủ về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đẩy mạnh văn hóa công sở... Ngành ngân hàng đã tích cực quán triệt và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện các nhiệm vụ của Ngành mà Đảng và nhà nước đã giao. Ngành ngân hàng đã xây dựng được một nền tảng pháp lý khá đầy đủ và toàn diện như: Quy chế văn hóa công sở (Quyết định số 454/QĐ-NHNN ngày 26/2/2008 và Quyết định số 2228/QĐ-NHNN ngày 8/10/2013); Quy chế làm việc của NHNN Việt Nam (Quyết định số 31/2008/QĐ-NHNN ngày 7/11/2008 và Quyết định số 2805/QĐ-NHNN ngày 30/12/2014); Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 2471/QĐ-NHNN ngày 26/11/2019). Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các Quy định về nêu gương đã tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu các cấp luôn phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được phân công, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết trong cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng về những phẩm chất đạo đức cần thiết, văn hóa ứng xử của cán bộ ngân hàng trong nội bộ và với đối tác, khách hàng, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro đạo đức nghề nghiệp trong khi thi hành công vụ và xây dựng hình ảnh đẹp của ngành ngân hàng đối với xã hội, ngày 25/2/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cho cán bộ ngân hàng. Trên tinh thần chắt lọc những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với người cán bộ ngân hàng. Bộ chuẩn mực được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; trong đó, nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: (1) Tính tuân thủ; (2) Sự cẩn trọng; (3) Sự liêm chính; (4) Sự tận tâm và chuyên cần; (5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; (6) Ý thức bảo mật thông tin. Mỗi chuẩn mực nêu lên những điều cán bộ ngân hàng cần phải làm và những điều cán bộ ngân hàng không được làm. Hai quy tắc ứng xử gồm Ứng xử trong nội bộ và Ứng xử với khách hàng và đối tác. Để Bộ chuẩn mực đi vào nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Bộ chuẩn mực đến từng cán bộ, nhân viên ngân hàng để nắm, ghi nhớ và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện; vận động các tổ chức tín dụng, tổ chức hội viên triển khai Bộ chuẩn mực dưới nhiều hình thức thích hợp tại đơn vị mình; triển khai việc đào tạo, tập huấn nội dung Bộ chuẩn mực; xây dựng bộ bài giảng E-learning và đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông, giúp cho việc tiếp cận Bộ chuẩn mực dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cho cán bộ ngành ngân hàng đã giúp nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng.

Năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã triển khai tổ chức “Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” nhằm tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Bộ chuẩn mực. Sự thành công của Cuộc thi đã có tác động lớn tới toàn ngành ngân hàng, lan toả hiệu quả trên nhiều góc độ. “Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” đã ngày càng được nhân rộng, giúp xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, tin cậy, góp phần tạo dựng môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngành ngân hàng đối với xã hội. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc phục vụ nền kinh tế mà còn thể hiện việc vận dụng hiệu quả tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong từng hoạt động, đặc biệt trong việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng, góp phần xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả, những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xây dựng, đào tạo rèn luyện, nâng cao chuẩn mực đạo đức cho cán bộ đảng viên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và các mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự cổ xúy cho lối sống hưởng lạc, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, tác động tiêu cực của mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, đã tạo ra rất nhiều rủi ro thách thức đặc biệt là những thách thức liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến hành vi tham nhũng, sai trái với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên. Hiện tượng báo động hiện nay là các đại án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng liên tục được phát hiện. Nổi lên gần đây nhất là đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, trở thành một trong các vụ bê bối kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Những đại án này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế với con số vô cùng lớn được tính bằng nghìn tỷ đồng.  Những vụ án trong ngành ngân hàng giai đoạn gần đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ ngân hàng vì những vụ án này xảy ra chủ yếu là do các cán bộ trong ngành chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân. Điều này dẫn đến sự mất niềm tin của công chúng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và uy tín của ngành ngân hàng. Tình hình đó đòi hỏi chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng cần có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ ngân hàng cần phải suy ngẫm về những căn dặn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tại bức thư gửi cán bộ ngành tài chính - ngân hàng năm 1952, ý thức rõ hơn nữa đặc thù nghề nghiệp để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của Ngành, trong đó rất quan trọng là xây dựng đạo đức cách mạng tương ứng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

*Đây là bài viết thuộc chùm tác phẩm Kỷ yếu Búa liềm vàng "Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ", đạt giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024, giải Nhì Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Vietcombank năm 2024. Tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Đảng ủy Khối DNTW, chi tiết tại đây.
 
Giải Búa liềm vàng Vietcombank năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ đảng viên và người lao động trong toàn hệ thống Vietcombank. Đây không chỉ là cơ hội để các cán bộ, đảng viên và người lao động thể hiện tâm huyết, bản lĩnh trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng hướng đến chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tác giả: Ban Tuyên giáo Đảng ủy (Trần Thị Hạnh, Nguyễn Đỗ Hồng Anh, Tô Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Hồng Nhung)

Đơn vị: Các đơn vị tham mưu giúp việc của Đảng ủy Vietcombank

Từ chối
Chúng tôi sử dụng cookie để phục vụ tốt hơn.
Chấp nhận