Mặt bằng lãi suất giảm, cầu tín dụng sẽ tăng

Chỉ trong nửa cuối tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần giảm một số lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-1% đã tạo thêm điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, trong bối cảnh thế giới vẫn có nhiều bất định, sức cầu tiêu dùng yếu, các NHTM đang chịu sức ép từ cả giảm lợi nhuận lẫn rủi ro nợ xấu gia tăng.

Sức cầu yếu, tín dụng tăng chậm

Theo công bố của NHNN, đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp so với con số trên 4% của ba tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, quý I/2023, GDP cũng chỉ tăng 3,32% - mức tăng thấp hơn quý I trong vòng 12 năm qua (trừ mức 3,21% vào quý I/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát), cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,6% mà Chính phủ đề ra cho quý I/2023 tại Nghị quyết 01. Đây có lẽ là những lý do khiến NHNN quyết định “đi trước một bước” - liên tục giảm lãi suất điều hành để kích cầu tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các NHTM đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trên thị trường hiện rất hiếm NHTM huy động ở mức 9%/năm; nhìn chung lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,8-1,5% so với đầu năm. Lãi suất cho vay cũng đang giảm (khoảng 1-2%). Theo thống kê của NHNN, tính từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 3/2023, có 24 ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Các NHTM tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn, điển hình như Vietcombank đang dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay nhóm khách hàng SME...

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất đã và đang giảm nhưng không phải khách hàng nào cũng có thể được vay ưu đãi. Tùy chiến lược phát triển và tùy khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng mà có những lĩnh vực được ngân hàng ưu đãi nhiều, lĩnh vực giảm lãi suất cho vay ít. Riêng các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất cho vay ngắn hạn VND hiện nay đã giảm khoảng 1% sau hai đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và tiếp tục chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

ảnh minh họa

Về phía các TCTD, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2023 NHNN vừa công bố: huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý II /2023 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý II và tăng 13,1% trong năm 2023.

Hiện thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu của các NHTM. Do đó, bản thân các NHTM cũng muốn giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Song, các ngân hàng cũng không khỏi e ngại rủi ro nợ xấu tăng khi mà thế giới vẫn nhiều yếu tố bất định bởi những mâu thuẫn địa chính trị khiến lạm phát ở các nền kinh tế lớn (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) vẫn neo ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tác động đến sản xuất, tiêu dùng trong nước. Dù giảm lãi suất nhưng các NHTM vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi điều kiện kinh doanh khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành Ngân hàng ở mức 1,92%. Nhưng theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, nợ xấu có chiều hướng tăng. Tỉ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

 

Linh hoạt nhưng vẫn “canh chừng” lạm phát

Các chuyên gia nhận định, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu với các rủi ro như: xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đặc biệt, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính - ngân hàng toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ trên thế giới gia tăng, ngân hàng trở nên thận trọng hơn, cho vay ít đi trong khi cầu tín dụng toàn cầu thấp, làm chậm đà phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, do xung đột quân sự kéo dài dẫn đến rủi ro an ninh năng lượng, lương thực tăng; giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch trở nên khó khăn hơn, thậm chí suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn. Những rủi ro, thách thức này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam.

Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành được đánh giá là bước đi linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Song, thực tế cho đến thời điểm này, NHNN chưa khi nào khẳng định thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong quyết định giảm lãi suất điều hành vừa qua, NHNN cũng tái khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát. NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,5% - bằng với mục tiêu Chính phủ đề ra. Song, không lạc quan như vậy, nhiều chuyên gia trong nước lại cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, nếu không có những đột phá về chính sách tài khóa như giãn, giảm thuế; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công... thì mục tiêu GDP tăng 6,5% là rất thách thức. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực đến cầu tín dụng, nhưng nếu những vướng mắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp không được tháo gỡ, vốn đầu tư cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chính vào vốn tín dụng thì rủi ro an toàn hệ thống ngày càng hiện hữu. Sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ, Thuỵ Sỹ vừa qua là lời “nhắc nhở” hệ thống tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, trong môi trường có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, tâm lý nhà đầu tư rất khó lường và kỳ vọng lạm phát sẽ tăng.

Thực tế lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Hiện sức cầu yếu nên lạm phát chưa phải là mối lo ngại lớn nhất, và Chính phủ chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quý II tới, khi lương cơ bản tăng, giá điện tăng, giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức cao... thì cũng không thể chủ quan với lạm phát.

 

Nguồn: Vietcombank

 

Từ chối
Chúng tôi sử dụng cookie để phục vụ tốt hơn.
Chấp nhận