Mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế

NĂM 2024, BIẾN ĐỘNG ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI VẪN PHỨC TẠP KHIẾN KINH TẾ TOÀN CẦU TIẾP TỤC DỰ BÁO MỨC TĂNG TRƯỞNG THẤP. THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ THẾ GIỚI KHÓ KHĂN, PHỨC TẠP SẼ TÁC ĐỘNG BẤT LỢI ĐẾN KINH TẾ TRONG NƯỚC. CHÍNH VÌ VẬY, NGAY TỪ ĐẦU NĂM, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (NHNN) ĐÃ QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ƯU TIÊN HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG GẮN VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT TẠI NGHỊ QUYẾT 01/NQ-CP VÀ CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN TÍN DỤNG.


Tín dụng phải tăng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm
Năm 2024, trên cơ sở các kế hoạch, chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ đặt ra (tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5%), NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Các năm trước, NHNN thường có nhiều đợt giao chỉ tiêu tín dụng, điều chỉnh theo “sức khỏe” của mỗi TCTD trong từng quý. Năm nay, chỉ tiêu tín dụng được giao hết một lần để TCTD chủ động triển khai ngay từ đầu năm trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân cơ bản là do sức hấp thụ vốn kém và tính mùa vụ. Thông thường vào tháng Giêng (quan niệm là tháng “ăn chơi”), doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường có tâm lý chậm lại để “hồi sức” sau những tháng chạy đua hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm trước.

Song nguyên nhân quan trọng nhất là do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân tăng chậm. Đơn hàng doanh nghiệp giảm dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Mà khi công ăn việc làm giảm thì thu nhập, tiền lương của người lao động cũng giảm nên họ thắt chặt chi tiêu khiến sức cầu nội địa nền kinh tế không mấy cải thiện.

Tăng trưởng kinh tế và tín dụng có mối quan hệ cộng hưởng. Kinh tế tăng trưởng thì cầu tín dụng mới cao và ngược lại. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần những giải pháp tác động từ nhiều phía, nếu chỉ mình ngành Ngân hàng thì khó tạo nên sức bật cho thị trường tài chính, chứ không nói đến toàn nền kinh tế.

Những vấn đề cần sớm có giải pháp là tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế; có thêm các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm môi trường kinh doanh mới… Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí logistics cao thì cầu nội địa là đầu ra quan trọng. Do đó, cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả hơn.

"Quan điểm của NHNN là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các NHTM lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích, NHNN sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các NHTM phải lưu ý: không thắt chặt nhưng cũng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo hai yếu tố trên.
Về đề nghị của các ngân hàng tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Phó Thống đốc cho biết, NHNN nhất trí sẽ kéo dài Thông tư này, tuy nhiên, thời gian kéo dài bao lâu sẽ có những đánh giá thêm."

(Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam)

Ngân hàng tìm nơi rót vốn
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã, đang tích cực tìm kiếm khách hàng chính trong những lĩnh vực được ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Đơn cử, hiện một số mặt hàng xuất khẩu nông sản đang có mức tăng trưởng rất cao như gạo, cà phê, tiêu và đặc biệt là sầu riêng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 110.000 ha trồng sầu riêng, cho sản lượng gần 850.000 tấn mỗi năm. Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Trong cả năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,61 triệu tấn, do giá xuất khẩu tăng mạnh, nên kim ngạch tăng 3,1%, lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD. Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2023 cũng đạt 265.897 tấn, với giá trị thu về 910,5 triệu USD. Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu số 1 thế giới, đóng góp khoảng 40% nguồn cung toàn cầu. Xuất khẩu gạo trong năm 2023 cũng đạt kim ngạch ấn tượng là gần 4,7 tỷ USD và dự báo năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh… Từ những con số này có thể thấy, các ngân hàng có thể “gặt hái“ từ việc cung cấp sác sản phẩm tài chính, ngân hàng cho thị trường nông sản xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác đang thu hút sự quan tâm của nhiều ngân hàng là đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ ký hợp đồng cho vay hợp vốn đối với chủ đầu tư Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Quy mô vốn tín dụng cho dự án trọng điểm này lên mức 1,8 tỷ USD. Các ngân hàng cũng đã cam kết tài trợ 15.644 tỷ đồng cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) để triển khai các dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã kịp thiết kế riêng gói tín dụng cho các nhà thầu công trình đường bộ có vốn đầu tư công để tham gia mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng 130 km đường cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải; chưa kể nhiều dự án giao thông lớn khác sẽ được khởi công trong năm nay như: Dự án Vành đai 4 (Hà Nội), Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài…

Ngân hàng cũng cần được hỗ trợ
Cùng với việc đưa vốn vào những lĩnh vục sản xuất kinh doanh trên, tín dụng cho bất động sản luôn là mảng rất quan trọng của NHTM. Các NHTM đang tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp. Song song với đó, các TCTD đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Tuy nhiên, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài khiến các ngân hàng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất đã ở mức rất thấp, giảm 3 - 4% so với năm 2022. Nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ còn 5,9%/năm. Song có những nhóm phân khúc rủi ro cao hơn, các ngân hàng phải giữ lãi suất ở mức độ hợp lý, và vẫn có người vay. Do vậy, hiện lãi suất không còn là vấn đề lớn nhất, mà khó khăn hiện nay là nguồn cung nhà ở cho nhu cầu thực của người dân rất thiếu do vướng thủ tục pháp lý của nhiều dự án bất động sản. Vì vậy, vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là cần sự chung tay của các bộ, ngành liên quan để khơi nguồn cung nhà ở, từ đó cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Một thị trường “ngách” khác là cho vay tiêu dùng của các ngân hàng gần đây bị co cụm lại do nợ xấu cao và công tác thu hồi nợ bị hạn chế. Người vay chây ỳ, không trả nợ, hoặc lập các hội nhóm tìm cách trốn nợ. Do đó, nhiều ngân hàng dè dặt trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. NHNN kiến nghị các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan pháp luật cần ủng hộ các ngân hàng trong việc xử lý và thu hồi nợ một cách quang minh, chính đại theo đúng quy định của pháp luật.

Một vấn đề khác, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng 2,2% so với tháng trước, nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi doanh nghiệp ngừng hoạt động thì quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm. Chưa kể, các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ đến hạn vào tháng 6/2024 (thời điểm Thông tư 02 hết hiệu lực) nên áp lực trả nợ sẽ rất lớn. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, các TCTD kiến nghị NHNN cho phép giãn thời gian áp dụng Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để cả ngân hàng và doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục, khắc phục khó khăn hiện tại.

"Ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng phải khẳng định rằng, vốn tín dụng là vốn bổ sung, không phải là chủ lực. Hiện tại, sức hút của nền kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh. Thực tế là ngân hàng đang “thắp đèn” tìm khách hàng đủ điều kiện cho vay, trong khi bản thân ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để giải bài toán tăng trưởng tín dụng, chỉ mình sự nỗ lực của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả."

(Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Nguồn: Ths. Võ Thu Hà