Bức tranh về ngân hàng số đang không ngừng tiến hóa. Trong khi một số xu hướng bồng bột như tiền điện tử và metaverse đã mất đà, năm 2023 mở ra những ngã rẽ mới thiết thực hơn rất nhiều, và tất nhiên, tạo sự bùng nổ đáng kể cùng rất nhiều hứa hẹn cho năm mới 2024.
Các chủ đề như CBDC (Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương), trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh) và Ngân hàng Mở (Open Banking) đã đóng vai trò quan trọng đối với ngành Ngân hàng trong năm 2023 và sẽ tiếp tục được quan tâm trong năm 2024 này.
Đối với năm 2024, ngoài các xu hướng đang diễn ra, các chủ đề nóng sẽ được đưa lên bàn thảo luận về ngân hàng số có lẽ sẽ là Tài chính tích hợp (Embedded Finance), thực thi tiêu chuẩn ESG (viết tắt của Môi trường, Xã hội và Quản trị, một hệ thống toàn diện giúp đo lường tính bền vững của một tổ chức), và tiêu chuẩn xác thực mạnh không mật khẩu FIDO (Fast IDentity Online, cung cấp xác thực mạnh và nhanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào mật khẩu).
Chúng ta sẽ đi qua các con số trong các xu hướng kể trên để nhìn ra một bức tranh tổng thể về tương lai gần của ngân hàng số:
1. AI là động lực thúc đẩy cá nhân hóa và nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong ngân hàng
Sự ra mắt của ChatGPT 3.0 vào cuối tháng 11/2022 đã làm thay đổi thế giới công nghệ. Trong năm 2023, chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành một xu hướng khổng lồ. Một nghiên cứu của tờ The Economist cho thấy, ngân hàng truyền thống cũng đã tham gia xu hướng này và đang sử dụng hoặc có kế hoạch tích hợp AI trong ba năm tới. 52% ngân hàng được khảo sát cho biết họ đã sử dụng máy học.
Ngân hàng có thể hưởng lợi từ nhiều ưu điểm thông qua việc sử dụng AI tạo sinh. Một mặt, các quy trình phức tạp như xếp hạng tín dụng, đánh giá rủi ro, phát hiện gian lận và quản lý tuân thủ có thể được tổ chức hiệu quả hơn. Mặt khác, AI mở ra những cơ hội mới để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm khách hàng. AI có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ mà ngân hàng có sẵn và cung cấp cho người dùng các khuyến nghị, dịch vụ cá nhân hóa.
Các giải pháp AI tạo sinh cũng giúp cho dịch vụ chăm sóc khách hàng trở nên hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Chatbot xử lý các yêu cầu phức tạp của khách hàng 24/7, đồng thời tăng sự hài lòng của khách hàng và giảm tải công việc cho nhân viên.
Vào năm 2024, dự kiến ngân hàng sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ AI để cung cấp trải nghiệm ngân hàng siêu cá nhân hóa và tương tác khách hàng dựa trên dữ liệu lớn.
2. Thực thi các tiêu chuẩn ESG là chìa khóa để giữ chân khách hàng thành công
Tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên quan trọng trong ngành Ngân hàng, khi khách hàng đang quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp tài chính bền vững. Ngoài ra, khả năng dễ tiếp cận cũng đã trở thành một khía cạnh quan trọng của tuân thủ ESG. Theo Đạo luật Tiếp cận ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU), các dịch vụ ngân hàng phải được tiếp cận dễ dàng với tất cả từ ngày 28/6/2025. Quy định này đảm bảo rằng người khuyết tật cũng như người già có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, tạo ra một hệ thống tài chính an toàn, minh bạch và ổn định hơn.
Hiện tại, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục khám phá việc tuân thủ ESG, trong khi hầu hết các tiêu chí đều còn quá mới mẻ với toàn bộ giới tài chính. Tuy nhiên, theo Juniper Research, một tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường tài chính, dự kiến các tổ chức tài chính sẽ sử dụng các chiến lược ESG rất nhiều vào năm 2024 để định vị mình là lựa chọn bền vững cho tương lai.
Đơn giản là thị trường muốn vậy. Theo Báo cáo Trải nghiệm Ngân hàng số 2022, 46% người Đức xem ESG là một tiêu chí đầu tư quan trọng, trong khi 28% sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng của họ để kiểm tra lượng khí thải carbon từ các giao dịch mua sắm. Xu hướng này có thể được quan sát ở hầu hết các quốc gia châu Âu cũng như ở Mỹ.
3. Ngân hàng Mở (Open Banking) mở rộng khả năng tiếp cận đa dạng các dịch vụ tài chính
Mặc dù khái niệm Ngân hàng Mở đã tồn tại trong một thời gian, nó chỉ thực sự trở thành một thành phần quan trọng của tài chính hiện đại vào năm 2023. Ngân hàng Mở cho phép các nhà cung cấp bên thứ ba tiếp cận dữ liệu khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API) mở, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech.
Sự hợp tác này cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào một loạt dịch vụ tài chính thông qua một nền tảng duy nhất. Điều này giúp cho ngân hàng trở nên linh hoạt hơn, tham gia vào nhiều hệ sinh thái và cung cấp các giải pháp ngân hàng được tích hợp cho đối tác bên thứ ba.
Vào năm 2023, thanh toán qua Ngân hàng Mở đạt mức kỷ lục: khoảng 9,7 triệu giao dịch thanh toán được thực hiện tại Vương quốc Anh vào tháng 6 - tăng 88% so với năm trước, nhờ ứng dụng Ngân hàng Mở. Số liệu này tiếp tục tăng đến tháng 8/2023, xác nhận sự chấp nhận và áp dụng Ngân hàng Mở ngày càng tăng.
Ngân hàng Mở đang làm cho thế giới tài chính tiến triển thành một hệ sinh thái mở, tập trung vào khách hàng. Hệ sinh thái này cung cấp cho ngân hàng cơ hội cung cấp các dịch vụ mới đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật cao. Nhờ mô hình này, ngân hàng đang trở thành nhà cung cấp dịch vụ hiện đại vượt ra ngoài các dịch vụ tài chính thuần túy.
4. Danh tính kỹ thuật số và ví ID tăng cường tính bảo mật và tin cậy trong thế giới tài chính số
Danh tính số cho phép định danh và xác thực an toàn thông qua các kênh kỹ thuật số nhanh chóng, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và cho phép họ kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình.
Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, Danh tính số có thể thúc đẩy sự phát triển bao hàm (inclusive growth, một khái niệm kinh tế xã hội đề cập việc tăng trưởng kinh tế phải được chia sẻ công bằng và bao gồm tất cả các tầng lớp xã hội). Tuy nhiên, việc giới thiệu Danh tính số cũng đóng vai trò quan trọng trên cấp độ toàn cầu. Theo nghiên cứu của Viện McKinsey toàn cầu, các quốc gia áp dụng Danh tính số hiệu quả có thể tạo ra mức đột phá tăng trưởng thêm từ 3 đến 6% GDP vào năm 2030. Điều này nhấn mạnh tiềm năng của Danh tính số.
Công ty chuyên phân tích số liệu tài chính Juniper dự đoán, nhà cung cấp Danh tính số sẽ tập trung vào việc phát triển các giải pháp dựa trên Ví định danh (ID) và dự đoán việc áp dụng nhanh chóng trong năm 2024. Một trong các quốc gia đang cố gắng thúc đẩy danh tính điện tử là Thụy Sĩ, dự kiến ra mắt ví điện tử vào năm 2026.
5. Tài chính tích hợp tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số
Tài chính tích hợp đang thay đổi ngành Ngân hàng bằng cách tích hợp các dịch vụ tài chính vào các nền tảng phi tài chính. Sự phát triển này cho phép ngân hàng mở rộng dịch vụ thông qua các hệ sinh thái kỹ thuật số, từ đó mở rộng thị trường và thu hút khách hàng mới một cách hiệu quả.
Hiện nhiều ngân hàng đang khám phá tiềm năng của Tài chính tích hợp. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, chỉ có 27% số ngân hàng tốp đầu đang tham gia một cách đáng kể vào các hệ sinh thái hợp tác cho đến nay. Đa số vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.
Đến năm 2024, Tài chính tích hợp dự kiến sẽ phổ biến hơn, cho phép các dịch vụ tài chính của ngân hàng trở nên dễ tiếp cận và cá nhân hóa hơn. Ngân hàng có thể hoạt động như những nhà cung cấp chung và nhúng các sản phẩm của họ vào các hệ sinh thái không thuộc sở hữu hoặc tập trung vào các phân khúc thị trường đặc biệt và tùy chỉnh dịch vụ của mình cho các nền tảng và khách hàng cụ thể. Tài chính tích hợp thúc đẩy một bức tranh tài chính năng động, tập trung vào khách hàng, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
6. CBDC đang thiết lập các tiêu chuẩn mới về tiền kỹ thuật số và hệ thống thanh toán
Năm 2023 đã chứng minh là một năm quan trọng đối với CBDC (Tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương). Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã thử nghiệm CBDC và đang nhanh chóng thúc đẩy quá trình ứng dụng nó vào thực tế. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo của dự án phát triển đồng Euro kỹ thuật số, bắt đầu đặt nền móng cho việc phát hành, sau hai năm nghiên cứu.
Theo một nghiên cứu của công ty phân tích số liệu tài chính Juniper Research, các giao dịch trị giá 213 tỷ USD có thể sẽ được xử lý thông qua CBDC vào năm 2030, một con số nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của CBDC.
Đối với năm 2024, Juniper dự đoán rằng CBDC sẽ bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống thanh toán. Chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp sử dụng cụ thể hơn như thanh toán xuyên biên giới, thanh toán B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau). Ứng dụng CBDC như một loại tiền tệ số ổn định và đáng tin cậy diễn ra trong bối cảnh các loại tiền điện tử phi tập trung đang thu hút sự chú ý từ tính biến động rất cao. Ví dụ, sự biến động giá của đồng Bitcoin cao gấp 10 lần so với sự biến động tỷ giá trao đổi của các đồng tiền pháp định quan trọng nhất.
Về cơ bản, CBDC không chỉ là một xu hướng năm 2023, mà sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của ngành Ngân hàng vào năm 2024 và xa hơn nữa.
Nguồn: Ban Cầm