Trao đổi với Người Dẫn Đầu, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh, các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu suy giảm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là “cửa sáng” cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà còn của các năm tiếp theo. Tuy nhiên, cần thay đổi tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư ngoại, không nên thiên về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm 2023, thưa ông?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện đáng kể, đạt khoảng 10,86 tỷ USD.
5 tháng qua, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vốn đầu tư mới 4 tháng đầu năm tăng 11%. Số dự án đầu tư mới 5 tháng cũng tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (66,4%). Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, kết quả này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Đồng thời, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD, tuy vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm.
Điều này cũng thể hiện xu thế chung của vốn FDI toàn cầu năm nay với nhiều thách thức lớn, tích cực và tiêu cực đan xen.
Nhìn chung, xu thế những năm gần đây của dòng vốn đầu tư là quay lại chính quốc. Trước tình hình bất ổn địa chính trị khó lường trên thế giới, nhiều nước đã dùng các chính sách ưu đãi để giữ chân dòng vốn ở lại trong nước.
Một lý do nữa là hiện nay ở các nước phát triển, công nghệ quốc phòng và công nghệ dân dụng có mối quan hệ ngày càng mật thiết. Do đó, các rào cản về xuất khẩu công nghệ, trước đây đã có, nhưng giờ lại càng được gia cố để hạn chế sự cạnh tranh cả về kinh tế và quốc phòng từ bên ngoài.
Với tình hình như vậy, đâu là những vấn đề chúng ta cần lưu ý trong thu hút đầu tư hiện nay?
Xu hướng đầu tư nước ngoài giảm nếu kéo dài là một thách thức với tăng trưởng của Việt Nam. Với năm 2023, có một số vấn đề chúng ta cần lưu ý.
Thứ nhất là Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này hỗ trợ phát triển du lịch, thương mại, nhưng cũng là một đối thủ hết sức cạnh tranh về thu hút đầu tư. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác cũng đang nổi lên về thu hút đầu tư, chẳng hạn như Ấn Độ. Một đối thủ mạnh nữa là Indonesia, một nền kinh tế không hơn quá nhiều so với Việt Nam và có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, họ lại hơn hẳn ta về sự chuyển đổi nhanh nhạy, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư tốt, bài bản.
Thứ hai là thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng từ năm sau sẽ làm cho các nước như Việt Nam mất một công cụ quan trọng để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là với những dự án lớn, dự án có công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thuế tối thiểu toàn cầu cũng đặt ra bài toán khó cho Việt Nam trong việc giữ chân các nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi thuế. Rất nhiều nhà đầu tư lớn đang đóng mức thuế dưới 10%, vậy giải pháp cho họ thế nào?
Mặc dù vậy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng có những tác động tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI một cách chất lượng và bền vững hơn.
Theo như ông nói, ảnh hưởng từ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút FDI là điều không thể không phủ nhận, tuy nhiên, không thể không thừa nhận rằng vẫn có những cơ hội, tác động tích cực?
Mặt tích cực của thuế tối thiểu là tạo sức ép để chúng ta thay đổi, không dựa vào cạnh tranh bằng thuế như trước. Việc áp dụng thuế tối thiểu sẽ đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi để có môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh hơn, bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, logistic…
Đồng thời, điều này giúp cho Việt Nam hội nhập tốt hơn, minh bạch hơn. Lâu nay, một vấn đề khiến chúng ta đau đầu là việc trốn tránh thuế, chuyển giá. Ước tính có khoảng 55% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam báo lỗ, không loại trừ việc trong số đó có những doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ vẫn mở rộng sản xuất, tăng doanh thu. Khi áp dụng thuế tối thiểu, sẽ xóa bỏ được các thiên đường thuế, như vậy, chuyển giá sẽ lộ diện.
Mặt khác, nghiên cứu số liệu đầu tư nước ngoài cho thấy, những nước có dòng vốn chất lượng cao ta muốn thu hút đầu tư nhất, ví dụ như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… thì đầu tư vào Việt Nam còn ít. Ngoài chuyện môi trường đầu tư có thể chưa thích ứng hoàn toàn với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU thì còn vấn đề nữa là nhiều quốc gia đang thành lập công ty ở nơi khác như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)… để đầu tư vào Việt Nam. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ nhưng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, không thể không có nguồn vốn từ nước khác. Khi có thuế tối thiểu, nguồn vốn sẽ bớt đi lòng vòng hơn.
Ông từng đề xuất “chắt lọc” thu hút FDI, thậm chí đặt vấn đề có thể nói không với FDI nếu thực chất vốn ngoại vẫn là lắp ráp, tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ... Nhưng đây lại là vấn đề không dễ dàng, thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu cứ phụ thuộc FDI và cứ bằng lòng với tăng trưởng GDP 5-7% nhờ gia tăng đầu tư, xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI, chúng ta khó có cải cách được. Nếu đặt giả thiết có thể “không có đầu tư FDI”, lúc này, các cơ quan Nhà nước phải giải bài toán tìm đâu động lực, họ buộc phải hỗ trợ kinh tế tư nhân trong nước.
Tôi đến các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... hoàn toàn vẫn là mô hình khai thác tài nguyên đất đai và lao động giá rẻ, kết hợp với mở cửa thị trường để thúc đẩy tăng trưởng, càng phụ thuộc FDI thì nguồn lực trong nước càng bị chèn ép.
Chênh lệch giữa Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI rất chênh lệch, điều này chứng tỏ người dân không có nhiều giá trị gia tăng trong nước, không được hưởng về sự phát triển do FDI mang lại. Trong khi đó, tiền chuyển ra nước ngoài ngày càng lớn.
Từ quan sát của mình, ông thấy doanh nghiệp FDI đang quan tâm những vấn đề gì về môi trường đầu tư của Việt Nam?
Các nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sự lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng còn những băn khoăn về vướng mắc trong khâu thực thi, đặc biệt là ở sự mâu thuẫn, chồng chéo về chính sách. Chi phí không chính thức cũng là một vấn đề làm nhà đầu tư nản lòng, bởi với họ, đây là vấn đề khó giải trình.
Một khó khăn nữa là hạ tầng. Hạ tầng kỹ thuật của chúng ta đang được cải thiện mạnh mẽ, nhưng hạ tầng xã hội như môi trường sống xanh, sạch, an toàn… chưa được cải thiện nhiều. Hạ tầng logistic còn chưa thuận lợi, chi phí cao. Nguồn nhân lực có sự mất cân đối khi những người giỏi thường tìm đến các trường kinh tế, trong khi nguồn nhân lực về công nghệ, kỹ thuật còn thiếu và yếu… Cải thiện được những điều này sẽ giữ chân được các nhà đầu tư đã đến và hút được những nhà đầu tư chất lượng trong tương lai.
Vậy, theo ông, chúng ta cần lưu ý điều gì trong thu hút FDI?
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu suy giảm, FDI được xem là “cửa sáng” cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà còn của các năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần thay đổi tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư ngoại, không nên thiên về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng.
Hiện nay, tôi thấy số lượng đang là tiêu chí hàng đầu khi thu hút FDI, chúng ta đang chạy theo thành tích chứ không quan tâm đến hiệu quả; luôn nói về nhà đầu tư mới thế này, nhà đầu tư mới thế kia, nhưng lại không bàn về chất lượng của nhà đầu tư đó thế nào. Tôi luôn nghĩ việc những dòng vốn FDI đó có đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam hay không, có thực sự chất lượng hay không mới là điều đáng quan tâm.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu tới từ “thiên đường thuế” và các nền kinh tế Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây là Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ một số ít ỏi là các nhà đầu tư của Mỹ hoặc châu Âu. Việt Nam rất kỳ vọng vào những nhà đầu tư chất lượng tới từ Mỹ, EU do họ sử dụng công nghệ tiên tiến, chi phí lao động trả cao, đặc biệt, đây là nhóm đầu tư rất phù hợp khi nước ta muốn cơ cấu hoặc chuyển đổi.
Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi để thúc đẩy sự hấp dẫn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao này, từ ổn định luật pháp, minh bạch, văn bản chính sách phải cụ thể, rõ ràng và mang tính thực thi cao đến việc loại bỏ các chi phí không chính thức...
Điều này rất quan trọng đối với nhà đầu tư Mỹ và EU, bởi họ luôn tuân thủ luật pháp, rất lo sợ về rủi ro pháp lý. Khi cảm thấy có thể vấp vào pháp lý, họ sẽ tránh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế các gói chính sách “may đo” thay vì gói chính sách “may sẵn” như hiện nay, bởi nhu cầu của từng nhà đầu tư ngoại là khác nhau. Khi Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của họ, mặc nhiên sức hấp dẫn của đất nước sẽ gia tăng, từ đó dễ dàng lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.
Đó nên là tiêu chí sàng lọc dòng vốn FDI đầu tiên. Việt Nam chỉ tìm những nhà đầu tư có uy tín, có trách nhiệm xã hội, còn những nhà đầu tư tới từ “thiên đường thuế”, theo tôi cần loại bỏ ngay. Nguyên do là họ chuyển về từ “vùng trốn thuế”, chủ đích của họ chỉ là ưu đãi thuế chứ không đầu tư một cách đàng hoàng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Vietcombank (Thực hiện)